Thời nhà Tùy Tiển_phu_nhân

Tùy Văn đế sai tổng quản Vi Quang phủ dụ Lĩnh Nam, tướng nhà Trần là Từ Đăng cố thủ Nam Khang. Quang đến ngoài cõi Lĩnh Nam, lần lữa không dám tiến. Khi xưa phu nhân từng hiến lên Trần Hậu Chủ một cây gậy sừng tê; đến nay, Tấn vương Dương Quảng sai Hậu chủ gửi thư cho phu nhân, xác nhận nước đã mất, khuyên bà quy thuận, còn kèm theo gậy sừng tê cùng binh phù làm tin. Phu nhân trông thấy gậy, biết là thật, bèn tập hợp vài nghìn thủ lĩnh, kêu khóc cả ngày. Phu nhân sai cháu nội là Phùng Hồn đưa quân đón rước Vi Quang, đưa vào Quảng Châu, như thế là Lĩnh Nam quy phụ nhà Tùy. Triều đình lấy Hồn làm Nghi đồng tam tư, sách phu nhân làm Tống Khang quận phu nhân.

Chưa được lâu, người Phiên NgungVương Trọng Tuyên nổi dậy, được nhiều thủ lĩnh hưởng ứng, vây Vi Quang ở châu thành, tiến quân đồn trú Hành Lĩnh. Phu nhân sai cháu nội là Phùng Huyên soái quân cứu Quang, nhưng Huyên cùng thủ lĩnh Trần Phật Trí vốn có liên hệ, nên lần lữa không tiến. Phu nhân biết được, cả giận, sai sứ bắt Huyên, giam ở ngục châu; rồi sai cháu nội khác là Phùng Áng đi dẹp Phật Trí, đánh bại và chém chết hắn ta. Phu nhân tiến quân đến Nam Hải, hội quân với Lộc Nguyện, cùng đánh bại Trọng Tuyên. Phu nhân đích thân khoác áo giáp, cưỡi ngựa quý, giương lọng gấm, lãnh cấu kỵ (kỵ binh có đeo cung, nỏ), bảo vệ Chiếu sứ Bùi Củ tuần hành, phủ dụ các châu. Bọn thủ lĩnh Trần Thản ở Thương Ngô, Phùng Sầm Ông ở Cương Châu, Đặng Mã Đầu ở Lương Hóa, Lý Quang Lược ở Đằng Châu, Bàng Tĩnh ở La Châu đều đến bái yết, phu nhân lệnh cho họ trở về thống lãnh bộ lạc. Lĩnh Nam lại được yên, Tùy Văn đế lấy làm lạ, phong Phùng Áng làm Cao Châu thứ sử; xá miễn cho Phùng Huyên, phong làm La Châu thứ sử; truy tặng Phùng Bảo làm Quảng Châu tổng quản, Tiếu quốc công, phong phu nhân làm Tiếu quốc phu nhân; lấy Tống Khang ấp trả về cho thiếp của Phùng Bộc là Tiển thị[3]; cho phép phu nhân mở Mạc phủ, bố trí quan thuộc từ Trưởng sử trở xuống, cấp ấn chương, có thể điều động binh mã của 6 châu bộ lạc, nếu tình hình khẩn cấp, được tùy nghi hành động. Văn đế còn giáng sắc vỗ về, ban cho phu nhân 500 tấm đoạn; Độc Cô hoàng hậu cũng ban trang sức cùng một bộ yến phục. Phu nhân đem mọi thứ đặt trong tráp vàng, cất vào kho cùng các tặng phẩm đời Lương, Trần. Mỗi năm có dịp hội họp, phu nhân bày cả ra ở đình, dạy đỗ con cháu trung thành với triều đình.

Bấy giờ Phiên Châu tổng quản Triệu Nột tham ngược, khiến phần lớn các bộ Lý, Lão nổi dậy. Phu nhân sai trưởng sử Trương Dung dâng tấu chương, đề xuất biện pháp vỗ về các tộc thiểu số, đồng thời tố cáo tội trạng của Nột, kiến nghị không nên dùng hắn ta chiêu phủ người vùng biên viễn. Văn đế sai người tra xét Nột, bắt được tang chứng ông ta tham ô, bèn trị tội theo pháp luật, rồi giáng sắc cho phu nhân chiêu dụ những bộ đã nổi dậy. Phu nhân mang theo chiếu thư, tự xưng sứ giả, đi qua hơn 10 châu, tuyên truyền ý định của triều đình, kêu gọi các bộ Lý, Lão; bà đi đến đâu thì nơi ấy đều xin hàng. Văn đế khen ngợi, ban cho phu nhân huyện Lâm Chấn làm ấp thang mộc [4], 1500 hộ. Tặng Phùng Bộc làm Nham Châu tổng quản, Bình Nguyên quận công.

Năm 601 thời Tùy Văn Đế, bà mất[5], được phúng 1000 tấm đoạn, đặt thụy là Thành Kính phu nhân.

Liên quan